Kết cục Trận_Charleroi

Cuộc chiến trên mặt trận Meuse-Sambre đã đem lại thương vong rất lớn cho cả hai bên, đặc biệt là quân Pháp. Đến nay vẫn chưa có số liệu đầy đủ về tổn thất của hai phe trong trận đánh, nhưng theo một số tài liệu cho hay, chỉ riêng trong ngày 22 tháng 8 đã có đến 6.000–7.000 lính Tập đoàn quân số 5 Pháp phải bỏ mạng.[3] Đây cũng được công nhận là ngày đẫm máu nhất trong lịch sử quân sự Pháp, với tổng số quân Pháp tử trận lên tới 27.000 người trên chiến trường Ardennes, chiến trường Charleroi và các chiến trường khác dọc theo biên giới Bắc Pháp.[26] Về phía Đức, Tập đoàn quân số 2 thống kê 3.516 người tử trận hay mất tích và 8.052 người bị thương vào giai đoạn từ ngày 20 đến ngày 31 tháng 8, trong khi Tập đoàn quân số 3 Đức thống kê 1.275 người chết và 3.000 người bị thương vào ngày 23.[5][4] Hồi ký Mein Bericht của tướng Bülow cho biết Tập đoàn quân số 5 Pháp chịu tổn thất lớn gấp đôi tập đoàn quân của ông trong trận Charleroi, mặc dù sử gia Eric Dorn Brose tin rằng đây là một sự "phóng đại".[27]

Tướng Helmuth von Moltke, tham mưu trưởng của Hoàng đế Đức.

Các thảm họa tại Lorraine, Ardennes, Charleroi và Mons đã đánh dấu sự chấm dứt của chuỗi trận Biên giới Bắc Pháp với việc liên quân Pháp-Anh thua chạy trên toàn tuyến.[28] Kế hoạch chiến tranh XVII của Joffre đã hoàn toàn bị phá sản và quyền chủ động giờ đây thuộc về người Đức.[29] Bên cạnh đó, trận Charleroi không phải thắng lợi quyết định của quân đội Đức. Do những sai lầm chiến thuật kèm theo sự phối hợp kém giữa các tập đoàn quân Đức và trên hết là sự thiếu vắng những chỉ thị cụ thể của Moltke - người đang ở rất xa mặt trận và không thể theo sát tình hình, phía Đức đã bỏ lỡ cơ hội tận diệt Tập đoàn quân số 5 Pháp.[30]

Tuy vậy, Moltke tỏ ra hoan hỉ với các kết quả đạt được và nói với tùy viên quân sự Sachsen là Traugott Leuckart von Weifidort rằng "chiến dịch đang diễn tiến… theo như kế hoạch". Không khí lạc quan cũng bao trùm trong giới chỉ huy Đức ngoài mặt trận và tin thắng lợi liên tiếp bay về tổng hành dinh Koblenz. Trong các ngày 24 và 25 tháng 8, Bülow thông báo đã "đánh bại tuyệt đối" cánh phải quân Pháp trong khi Hausen thông báo rằng quân Pháp đang " hoàn toàn rút lui". Điều đó khiến cho một số sĩ quan Bộ Tổng tham mưu như Đại tá Wilhelm GroenerThượng tá Gerhard Tappen tin rằng chiến thắng đã nằm gọn trong tay người Đức và cuộc chiến sẽ chấm dứt "chỉ trong vòng 6 tuần". [30]

Joffre rất bất mãn với các hành động và quyết định của Lanrezac trong trận chiến Charleroi. Theo Joffre, sự bạc nhược và thiếu quyết đoán của những vị tướng như Lanrezac đã đẩy quân lực Pháp vào thảm bại trên các mặt trận biên giới. Ngày 3 tháng 9 năm 1914, Joffre huyền chức Lanrezac và thay ông bằng tướng d'Espèrey. Một số sử gia sau này cũng chỉ trích Lanrezac về thái độ tương tự, nhưng số khác cho rằng ông là một người có tầm nhìn chiến lược lớn và quyết định triệt binh của ông đã duy trì khả năng tiếp tục chiến đấu của quân đội Pháp.[31][32][25][33]